Tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2021 theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo đến các ngành, các địa phương tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2021 và một số giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động 6 tháng cuối năm 2021.
Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 6 tháng đầu năm 2021 trên toàn quốc đã xảy ra 3.612 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) (tăng 263 vụ tương ứng với 7,85% so với 6 tháng đầu năm 2020), làm 3.673 người bị nạn (tăng 223 người tương ứng với 6,46% so với 6 tháng đầu năm 2020) (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động), trong đó:
– Số người chết vì TNLĐ: 418 người (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 310 người, tăng 36 người tương ứng với 13,14% so với 6 tháng đầu năm 2020; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động: 108 người, tăng 04 người tương ứng với 3,85% so với 6 tháng đầu năm 2020);
– Số vụ TNLĐ chết người: 399 vụ (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 293 vụ, tăng 37 vụ tương ứng với 14,5% so với 6 tháng đầu năm 2020; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động: 106 vụ, tăng 02 vụ tương ứng với 1,92% so với 6 tháng đầu năm 2020);
– Số người bị thương nặng: 829 người (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 686 người, tăng 20 người tương ứng với 3% so với 6 tháng đầu năm 2020; khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động: 143 người, tăng 03 người tương ứng với 2,14% so với 6 tháng đầu năm 2020);
– Nạn nhân là lao động nữ: 1.081 người (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 994 người, giảm 68 người tương ứng với 6,4% so với 6 tháng đầu năm 2020; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động: 87 người, giảm 02 người tương ứng với 2,24% so với 6 tháng đầu năm 2020);
– Số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên: 41 vụ (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 35 vụ, giảm 06 vụ tương ứng với 14,6% so với 6 tháng đầu năm 2020; khu vực người lao động làm việc không theo hợp động lao động: 06 vụ, giảm 02 vụ tương ứng với 25% so với 6 tháng đầu năm 2020).
* Tình hình TNLĐ 6 tháng đầu năm 2021, trong khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tăng so với 6 tháng đầu năm 2020 cả về số người chết và số vụ TNLĐ chết người.
(Chi tiết tại Phụ lục I).
Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2021 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động như: Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội; các tỉnh: Hải Dương, Bình Dương, Lạng Sơn, Hưng Yên, Thanh Hóa.
A. TÌNH HÌNH TAI NẠN LAO ĐỘNG TRONG KHU VỰC CÓ QUAN HỆ LAO ĐỘNG
I. TÌNH HÌNH CHUNG
- Số vụ tai nạn lao động
Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 6 tháng đầu năm 2021 trên toàn quốc đã xảy ra 3.198 vụ TNLĐ làm 3.250 người bị nạn, trong đó:
– Số người chết: 310 người;
– Số vụ TNLĐ chết người: 293 vụ;
– Số người bị thương nặng: 686 người;
– Nạn nhân là lao động nữ: 994 người;
– Số vụ TNLĐ có từ 2 người bị nạn trở lên: 35 vụ.
(Chi tiết tại Phụ lục II).
Những địa phương có nhiều người chết vì TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động như: Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội; các tỉnh: Hải Dương, Bình Dương.
2. So sánh tình hình TNLĐ 6 tháng đầu năm 2021 với 6 tháng đầu năm 2020
Qua các số liệu thống kê về tình hình TNLĐ 6 tháng đầu năm 2021 so với 6 tháng đầu năm 2020 cụ thể như sau:
TT | Chỉ tiêu thống kê | 6 tháng đầu năm 2020 | 6 tháng đầu năm 2021 | Tăng (+) /giảm(-) |
1 | Số vụ | 2.960 | 3.198 | +238(+8,04%) |
2 | Số nạn nhân | 3.040 | 3.250 | +210(+6,9%) |
3 | Số vụ có người chết | 256 | 293 | +37(+14,5%) |
4 | Số người chết | 274 | 310 | +36(+13,14%) |
5 | Số người bị thương nặng | 666 | 686 | +20(+3%) |
6 | Số nạn nhân là lao động nữ | 1.062 | 994 | -68(-6,4%) |
7 | Số vụ có từ 2 người bị nạn trở lên | 41 | 35 | -06(-14,6%) |
Bảng 1: So sánh tình hình TNLĐ 6 tháng đầu năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2020 khu vực có quan hệ lao động.
3. Một số vụ TNLĐ nghiêm trọng, xử lý trách nhiệm đối với vụ TNLĐ xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2021
– Điển hình một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (làm chết người và bị thương nhiều người) tại các địa phương như: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh: Nghệ An, Hải Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, xảy ra trong các lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện tử;
– Ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra; 6 tháng đầu năm 2021 các địa phương báo cáo có 19 vụ đề nghị khởi tố, 04 vụ đã có Quyết định khởi tố của cơ quan Cảnh sát điều tra.
(Chi tiết tại Phụ lục III).
4. Tình hình tai nạn lao động trong lĩnh vực đặc thù
– Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng 6 tháng đầu năm 2021, xảy ra 33 vụ tai nạn lao động (09 vụ có người chết, 01 vụ có từ hai người bị nạn trở lên) làm 34 người bị nạn (09 người chết, 19 người bị thương nặng, 06 người bị thương nhẹ); trong đó có 04 vụ do điện, 04 vụ do phương tiện vậi tải, 01 vụ do sập lò, đất, đá công trình, 09 vụ do máy thiết bị cán cuốn, va đập, 06 vụ tai nạn lao động do ngã cao, 03 vụ chết đuối, 01 vụ do thiết bị áp lực và 05 vụ do các nguyên nhân khác.
– Theo báo cáo của Bộ Công Thương 6 tháng đầu năm 2021 không xảy ra vụ tai nạn lao động nào trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí (trên bờ).
– Theo báo cáo của Bộ Công an 6 tháng đầu năm 2021, xảy ra 10 vụ tai nạn lao động trong khi làm nhiệm vụ (01 vụ chết người) làm 10 người bị nạn (01 người chết, 05 người bị thương nặng, 04 người bị thương nhẹ).
– Các Bộ: Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải chưa có báo cáo tai nạn lao động trong lĩnh vực đặc thù.
II. PHÂN TÍCH CÁC VỤ TNLĐ TỪ CÁC BIÊN BẢN ĐIỀU TRA TAI NẠN LAO ĐỘNG TRONG KHU VỰC CÓ QUAN HỆ LAO ĐỘNG
Phân tích từ các biên bản điều tra tai nạn lao động chết người nhận được, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có một số đánh giá như sau:
1. Tình hình tai nạn lao động chết người theo loại hình cơ sở sản xuất
– Loại hình Công ty cổ phần chiếm 33,7% số vụ tai nạn chết người và 34,74% số người chết.
– Loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn chiếm 35,91% số vụ tai nạn chết người và 235,26% số người chết.
– Loại hình doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 18,78% số vụ tai nạn chết người và 17,89% số người chết.
– Loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 4,42% số vụ tai nạn và 4,21,% số người chết.
2. Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người
– Lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 14,92% tổng số vụ và 15,26% tổng số người chết.
– Lĩnh vực xây dựng chiếm 12,7% tổng số vụ tai nạn và 13,16% tổng số người chết.
– Lĩnh vực dệt may, da giầy chiếm 9,11% tổng số vụ và 8,68% tổng số người chết.
– Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 8,29% tổng số số vụ và 8,42 tổng số người chết.
– Lĩnh vực dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ vận tải, bốc xếp) chiếm 7,18% tổng số vụ và 7,89% tổng số người chết.
3. Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất
– Ngã từ trên cao, rơi chiếm 21,55% tổng số vụ và 20,53% tổng số người chết.
– Tai nạn giao thông chiếm 19,89% tổng số vụ và 19,74% tổng số người chết.
– Đổ sập chiếm 14,37% tổng số vụ và 16,84% tổng số người chết.
– Điện giật chiếm 11,05% tổng số vụ và 10,53% tổng số người chết.
– Vật văng bắn, va đập chiếm 9,39% tổng số vụ và 8,95.96% tổng số người chết.
4. Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người
* Nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 39,78% tổng số vụ và 40.53% tổng số người chết, cụ thể:
– Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 12,71% tổng số vụ và 12,11% tổng số người chết;
– Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 9.94% tổng số vụ và 10,53% tổng số người chết;
– Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 8,84% tổng số vụ và 8,42% tổng số người chết;
– Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 6,08% tổng số vụ và 7,37% tổng số người chết;
– Người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không bảo đảm chiếm 2,21% tổng số vụ và 2,611% tổng số người chết.
* Nguyên nhân do người lao động chiếm 22,66% tổng số vụ và 21.58% tổng số người chết, cụ thể:
– Người lao động vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn chiếm 21.55% tổng số vụ và 20,53% tổng số người chết;
– Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, phương tiện, thiết bị an toàn chiếm 1,11% tổng số vụ và 1,05% tổng số người chết.
* Còn lại 37,56% tổng số vụ tai nạn lao động với 37,89% tổng số người chết, xảy ra do các nguyên nhân khác như: tai nạn giao thông, TNLĐ do người khác gây ra, bệnh lí.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG TÌNH HÌNH TNLĐ VÀ VIỆC ĐIỀU TRA, BÁO CÁO TNLĐ XẢY RA TRONG KHU VỰC CÓ QUAN HỆ LAO ĐỘNG
1. Tình hình TNLĐ 6 tháng đầu năm 2021 so với 6 tháng đầu năm 2020
Trong 6 tháng đầu năm 2021, trong khu vực có quan hệ lao động số vụ TNLĐ tăng, tổng số nạn nhân tăng, số vụ có người chết tăng, số người chết tăng, số người bị thương nặng tăng, nạn nhân là lao động nữ giảm, số vụ có từ 02 nạn nhân trở lên giảm (Chi tiết tại Bảng 1 nêu trên).
2. Tình hình điều tra tai nạn lao động
– Đa số các vụ tai nạn lao động đã được khai báo và điều tra đúng quy định. Tuy nhiên một số địa phương còn chậm gửi biên bản điều tra về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; số biên bản nhận được chỉ chiếm 17,06 % tổng số vụ TNLĐ chết người.
– Trong 6 tháng đầu năm 2021, Thành phố Hà Nội, các tỉnh: Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa là những địa phương báo cáo kịp thời biên bản điều tra tai nạn lao động theo thẩm quyền về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp theo dõi.
3. Chất lượng báo cáo tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2021
– Trong 6 tháng đầu năm 2021, 63/63 địa phương đã thực hiện việc báo cáo tình hình tai nạn lao động theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ tăng 6,8 % so với 6 tháng đầu năm 2020. Một số địa phương báo cáo chậm: Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Tây Ninh, Tuyên Quang.
– Tỷ lệ báo cáo của các doanh nghiệp về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn thấp. Trong 6 tháng đầu năm 2021, có khoảng 4,3% doanh nghiệp báo cáo về tình hình tai nạn lao động. Số doanh nghiệp chấp hành báo cáo tình hình tai nạn lao động chưa đầy đủ, do vậy việc tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động trên toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.
- Thiệt hại về vật chất
Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra 6 tháng đầu năm 2021 như sau: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,… là 3.537 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản là 667 triệu đồng; tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 131.415 ngày.
B. TÌNH HÌNH TNLĐ ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC KHÔNG THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
I. TÌNH HÌNH TAI NẠN LAO ĐỘNG
Theo báo cáo của 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc đã xảy ra 414 vụ TNLĐ làm 423 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bị nạn trong đó:
– Số người chết: 108 người;
– Số vụ TNLĐ chết người: 106 vụ;
– Số người bị thương nặng: 143 người;
– Nạn nhân là lao động nữ: 87 người;
– Số vụ TNLĐ có từ 2 người bị nạn trở lên: 06 vụ.
(Chi tiết tại Phụ lục IV).
Các vụ TNLĐ xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, lâm nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ. Các địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2021, Thành phố Hà Nội, các tỉnh: Lạng Sơn, Hưng Yên, Cao Bằng,…
Theo số liệu thống kê về tình hình TNLĐ 6 tháng đầu năm 2021 so với năm 6 tháng đầu năm 2020 cụ thể như sau:
TT | Chỉ tiêu thống kê | 6 tháng đầu năm 2020 | 6 tháng đầu năm 2021 | Tăng (+) /giảm(-) |
1 | Số vụ | 389 | 414 | +25(+6,42%) |
2 | Số nạn nhân | 410 | 423 | +13(+3,2%) |
3 | Số vụ có người chết | 104 | 106 | +02(+1,92%) |
4 | Số người chết | 104 | 108 | +04(+3,85%) |
5 | Số người bị thương nặng | 140 | 143 | +03(+2,14%) |
6 | Số lao động nữ | 89 | 87 | -02(-2,24%) |
7 | Số vụ có 2 người bị nạn trở lên | 08 | 06 | -02(-25%) |
Bảng 2: So sánh tình hình TNLĐ 6 tháng đầu năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2020 khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động
II. TÌNH HÌNH ĐIỀU TRA TAI NẠN LAO ĐỘNG VÀ CHẤT LƯỢNG BÁO CÁO 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021
Trong 6 tháng đầu năm 2021, một số địa phương đã thực hiện gửi biên bản điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động như: Thành phố Hà Nội và tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, công tác điều tra tai nạn lao động đối với khu vực không có hợp đồng lao động chưa được triển khai đầy đủ theo quy định của pháp luật. Việc lập biên bản ghi nhận tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động của Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai còn rất hạn chế.
Đã có 57/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo thống kê tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; trong đó có 33 địa phương báo cáo có xảy ra tai nạn lao động, 24 địa phương báo cáo không xảy ra tai nạn lao động (chi tiết tại Phụ lục IV); 06 địa phương chưa có báo cáo: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Bình, Yên Bái. Số địa phương gửi báo cáo theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ tăng so với 6 tháng đầu năm 2020 là 3,64 %.
C. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẦN THỰC HIỆN 6 THÁNG CUỐI NĂM 2021
Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động trong 6 tháng đầu năm 2021, để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức, người sử dụng lao động, người lao động quan tâm triển khai thực hiện tốt các nội dung chủ yếu sau:
1. Các Bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy, các công trình vui chơi công cộng có sử dụng các trò chơi tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt, cáp treo,….;
2. Bộ Y tế tăng cường triển khai hướng dẫn và đôn đốc việc thống kê TNLĐ tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế theo khoản 4 Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 25 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 và gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp theo đúng quy định;
3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn:
– Rà soát việc cấp phép, quản lý, vận hành các công trình vui chơi công cộng có sử dụng các trò chơi tàu lượn cao tốc, đủ quay, máng trượt, cáp treo,… đặc biệt việc kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng, quản lý định kỳ công trình, thiết bị;
– Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ pháp luật trong lắp đặt, bảo trì, vận hành, sử dụng đối với thang máy, đặc biệt tránh nhiệm của Ban quản trị các tòa nhà, khu chung cư có sử dụng thang máy trên địa bàn quản lý, theo quy định tại Thông tư 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về quản lý, sử dụng nhà chung cư và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy;
– Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; thực hiện báo cáo tai nạn lao động theo Luật An toàn, vệ sinh lao động;
– Tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, phòng ngừa TNLĐ kết hợp phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc;
– Tăng cường tổ chức điều tra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động;
– Tăng cường triển khai công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với sự hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, báo cáo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Tổ chức hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thống kê, báo cáo tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động; lập biên bản ghi nhận tai nạn lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động;
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an cấp tỉnh phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rà soát triển khai xây dựng quy chế phối hợp điều tra TNLĐ chết người và TNLĐ khác có dấu hiệu tội phạm.
4. Các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động;
5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tuyên truyền vận động người sử dụng lao động quan tâm, chú ý việc xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động cho các hội viên;
6. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các hội nghề nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động, hội viên chấp hành tốt các nội quy, quy trình làm việc an toàn; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, đảm bảo an toàn, sức khoẻ và tính mạng cho người lao động./.
Trích dẫn nguồn: Trang thông tin điện tử – cục an toàn lao động (www.antoanlaodong.gov.vn)
Nhận xét bài viết!